Sơ chế tổ yến thô là công đoạn mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo vì nếu sơ chế sai cách, tổ yến sẽ bị hao hụt dưỡng chất. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách sơ chế yến thô sạch sẽ, đơn giản và ít tốn thời gian:
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ
Để việc sơ chế làm sạch tổ yến thô đúng chuẩn, bạn cần chuẩn bị đầy đủ một số dụng cụ như sau đây:
- 1 cái thau trắng để dễ quan sát thấy lông chim hay tạp chất.
- 1 nhíp nhỏ hoặc kẹp gắp chuyên dùng để nhặt lông yến.
- 1 cái rây nhỏ.
- 1 cái muỗng.
- 1 cái đĩa để đựng yến sạch sau khi sơ chế.
Bước 2: Ngâm yến
Đây là công đoạn đầu tiên trong quá trình sơ chế và chế biến tổ yến thô. Yến thô sau khi mua về ngâm vào trong thau nước sạch từ 1 – 2 tiếng. Đây là bước quan trọng không thể bỏ qua vì yến sau khi ngâm sẽ nở, mềm ra dễ dàng làm sạch hơn. Nên ngâm yến bằng nước lạnh với nhiệt độ bình thường, tránh ngâm bằng nước nóng để hạn chế tối đa việc làm hao hụt các dưỡng chất có trong nước, giữ trọn vẹn các dưỡng chất của yến.
Thời gian ngâm yến cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến hương vị và chất lượng dinh dưỡng của yến. Theo đó, thời gian ngâm yến được khuyến cáo như sau:
- Tổ yến thô già chưa làm sạch ngâm từ 2 – 3 tiếng.
- Tổ yến già đã làm sạch ngâm từ 20 – 30 phút.
- Tổ yến già nguyên tổ ngâm 60 phút.
- Tổ yến tinh chế ngâm từ 10 – 30 phút.
Lưu ý tránh ngâm yến quá lâu vì sẽ khiến sợi yến bị nhũn, không còn độ giòn, dai và dẻo, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị món ăn mà còn làm cho các dưỡng chất trong yến hòa tan vào nước, giảm giá trị dinh dưỡng.
Bước 3: Nhặt lông, loại bỏ tạp chất
- Sau khi ngâm yến sẽ nở mềm, bạn đổ yến qua rây và tiến hành dùng nhíp gắp từng sợi lông chim ra ngoài. Công đoạn này đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tỉ mỉ, tuyệt đối không nên nóng vội vì sẽ khiến tổ yến dễ bị biến dạng, không sạch do còn sót lông yến.
- Mẹo để giúp bạn nhặt lông nhanh hơn là hãy bắt đầu nhặt các lông hay tạp chất như đất, cát, đá vôi… trước, sau đó nhặt lại 2 – 3 lần nữa các lông li li, bụi bẩn bám trên bề mặt. Cách này giúp làm sạch lông tổ yến sạch sẽ và nhanh chóng, tiết kiệm thời gian hơn.
- Đối với yến thô nguyên tổ, sau khi ngâm mềm hãy dùng tay tách thành từng sợi, sau đó cho vào ray, bên dưới đặt một tô nước, sau đó dùng muỗng khuấy nhẹ đồng thời nhấc nhẹ lên xuống, sợi yến sẽ theo các lỗ rây rơi xuống dưới. Thay nước 4 – 5 lần sẽ thu được phần tổ yến sạch.
Bước 4: Rửa sạch lại và bảo quản
Rửa sạch lại phần tổ yến đã nhặt lông, hơi bóp nhẹ hoặc vẩy cho ráo nước rồi sử dụng. Nếu chưa cần sử dụng ngay, hãy cho yến đã sơ chế vào trong hộp kín có nắp đậy và đặt trong ngăn mát tủ lạnh, thời gian bảo quản trong khoảng 7 ngày. Đối với yến bảo quản trong ngăn đá có thể giữ được tối đa là 5 – 7 tháng.
Một số lưu ý khi sơ chế và sử dụng tổ yến thô
Để đảm bảo quá trình làm sạch tổ yến thô thuận lợi và giữ được trọn vẹn các dưỡng chất, người thực hiện bắt buộc phải chú ý một số lưu ý sau đây:
- Thời gian sơ chế yến thô không nên quá lâu, nên tham khảo thời gian ngâm phù hợp để tránh làm cho sợi yến bị nhão, vừa mất độ ngon, giòn dai vừa làm hao hụt các dưỡng chất có trong yến.
- Tuyệt đối không nên ngâm yến trong nước nóng để tránh làm giảm bớt một số dưỡng chất có trong yến sào.
- Các dụng cụ để sơ chế yến sào cần phải được làm sạch, khử trùng trước khi dùng để gắp bỏ các sợi lông yến.
- Sợi yến sau khi làm sạch nên để khô tự nhiên hoặc sấy khô bằng lò để ráo nước hoàn toàn trước khi mang đi chưng nấu, bảo quản trong thời gian lâu.
Mặc dù quy trình làm sạch tổ yến không quá khó nhưng lại mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Do đó việc làm này chỉ phù hợp với những người có quỹ thời gian tương đối thoải mái, không vướng bận quá nhiều việc và có sự kiên nhẫn. Khuyến khích chế biến yến sào ngay sau khi sơ chế để cảm nhận trọn vẹn hương vị và sự thơm ngon của sợi yến.